Tai nạn K-278 Komsomolets

Vào ngày 7 tháng 4 năm 1989, trong vùng biển Na Uy, cách đảo Ours 180 km về hướng Tây Nam và cách bờ biển Na Uy 490 km, chiếc tàu ngầm đang trở về căn cứ sau một chuyến công tác ở độ sâu bình thường.

Lúc 11 giờ, các thủy thủ ca đầu đã thức giấc, trong khi ca ba sắp sửa dùng bữa trưa. Viên sĩ quan trực Alexandre Verezgov thu thập các báo cáo của từng khoang. Anh thản nhiên báo cáo vào micro: "Đã kiểm tra khoang số 7. Độ ngăn cách và thành phần không khí bình thường. Không có gì báo cáo".

Lúc 11 giờ 03, một tín hiệu phát ra trên bảng điều khiển của anh cơ khí viên trực Viatcheslav Youdine: "Nhiệt độ trong khoang số 7 cao hơn 70 độ C". Youdine thông báo với viên thuyền trưởng, ông này đã ban lệnh báo động toàn diện. Tiếng còi hú vang khắp các khoang. Những sĩ quan chạy bộ về phòng chỉ huy. Thuyền trưởng liên tục gọi khoang số 7 có lẽ đang bị lửa hoành hành, nhưng không nghe trả lời. Youdine đề nghị: "Thưa thuyền trưởng, cần cho khí freon vào khoang số 7 gấp".

Thuyền trưởng Evgueni Vanine do dự - khí freon là một hỗn hợp khí có thể ngăn lửa lan tràn, nhưng nó cũng gây tử vong chắc chắn cho ai ở trong khu vực có nó. Nhưng anh thủy thủ trực khoang số 7 vẫn không có động tỉnh gì qua liên lạc... thế là thuyền trưởng bèn quyết định: "Cho freon vào khoang số 7!". Kể từ giây phút đó, thủy thủ Nodar Boukhnikachvili chẳng còn cơ may nào sống sót.[4] Mọi người đều hi vọng đây sẽ là nạn nhân duy nhất cho sự cố trên.

Khí freon lẽ ra đã có thể dập tắt được ngọn lửa tại khoang số 7 nhưng một ống dẫn khí nén bị đứt, hơi khí nén này như mồi lửa của một ngọn đèn xì, khoang số 7 bị biến thành một lò lửa.

Vài giây sau, một tia lửa đã bén vào khoang số 6 cạnh đó. Những thủy thủ trong ấy không có cả thời gian để mang mặt nạ phòng hơi độc. Chỉ trong thoáng chốc, cả nơi đây đã biến thành một biển lửa. Thủy thủ đoàn cho dừng máy phát điện bên trái, còn máy bên phải thì bị hỏng tự dừng hoạt động. Bộ phận an toàn tự động của lò phản ứng đã bật, chiếc tàu ngầm tự dừng lại. Trong khi lặn, tình huống đó nguy hiểm hơn là sự trục trặc của một động cơ của một phi cơ đang bay. Phi cơ còn có thể lượn, còn tàu ngầm thì sẽ chìm thẳng.

Nguyên nhân sự cố thực sự vẫn chưa được xác định. Một nguyên nhân có thể là sự đánh lửa của thiết bị điện (máy tách dầu).[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: K-278 Komsomolets https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Mike_c... http://www.american.edu/TED/komso.htm http://www.deepstorm.ru/DeepStorm.files/45-92/nts/... http://www.deepstorm.ru/DeepStorm.files/45-92/nts/... http://www.submarines.narod.ru/Substory/6_685_gr60... https://www.webcitation.org/61CSJQXXq?url=http://s... http://submarine.id.ru/book/l220.shtml http://grinda.info/008.htm http://grinda.info/vahtennyiy-zhurnal.html https://www.webcitation.org/61CSLt0xg?url=http://a...